Theo The Information, siêu ứng dụng theo hình dung của Microsoft có thể kết hợp mua sắm, nhắn tin, tìm kiếm trực tuyến, cung cấp tin tức và các dịch vụ khác trong một ứng dụng smartphone duy nhất. Các lãnh đạo công ty đang muốn thông qua siêu ứng dụng này để thúc đẩy mảng quảng cáo trị giá hàng tỷ USD, đẩy mạnh công cụ tìm kiếm Bing cũng như thu hút nhiều người dùng hơn đến với dịch vụ nhắn tin Teams và các dịch vụ di động khác.
Smartphone hiển thị logo Microsoft. Ảnh: Reuters
Khác với Apple và Google, Microsoft không vận hành cửa hàng ứng dụng cho người dùng smartphone. Trong khi đó, công ty vẫn cung cấp nhiều phần mềm ở đa dạng lĩnh vực cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Việc tập hợp các ứng dụng vào một nơi có thể giúp hãng dễ kiểm soát hơn.
Ứng dụng WeChat là "nguồn cảm hứng" để các lãnh đạo Microsoft nghĩ đến siêu ứng dụng theo nguồn tin cũng cho biết.
WeChat hiện là nền tảng phổ biến nhất Trung Quốc với 1,25 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, có khả năng kết hợp nhắn tin với mua sắm, trò chơi trực tuyến, tin tức và nhiều dịch vụ trực tuyến khác.
Siêu ứng dụng đang rất thịnh hành tại châu Á với WeChat, Grab, KakaoTalk, Paytm... nhưng lại chưa phát triển ở Mỹ và châu Âu. Snapchat từng cho ra mắt ứng dụng thanh toán ngang hàng Snapcash nhưng đã ngừng hoạt động từ 2018. Facebook và Instagram cũng tìm cách mở rộng ngoài khuôn khổ mạng xã hội và nhắn tin, nhưng chưa đạt kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy các ông lớn công nghệ phương Tây đang để mắt đến mảnh đất mới này. Tháng trước, Meta được cho là đang tìm cách biến WhatsApp thành siêu ứng dụng để tăng nguồn thu trong bối cảnh canh bạc metaverse quá mạo hiểm. WhatsApp có thể tích hợp các tính năng về liên lạc, mua sắm, đặt hàng, thanh toán trong một ứng dụng duy nhất.
Hồi giữa năm, Elon Musk cho biết việc mua Twitter sẽ phục vụ cho tham vọng "siêu ứng dụng X" của ông.
Elon Musk không đề cập chi tiết X hoạt động như thế nào, nhưng khẳng định việc sở hữu Twitter giúp "tăng tốc quá trình phát triển X từ 3 đến 5 năm".
Nguồn: vnexpress