"Phép lạ" Asakawa mang các website đến với người khiếm thị

Mục lục

    Một lập trình viên mù đang tìm cách giúp cho những người bị suy giảm thị lực hay khiếm thị có thể lướt web – số người dùng đặc biệt này đang ngày một tăng do sự già nua của dân số Nhật Bản.

    "Phép lạ" Asakawa mang các website đến với người khiếm thị

    Căn phòng khiêm tốn nằm tận cùng trong dãy các phòng thí nghiệm của hãng máy tính IBM chi nhánh Nhật Bản, đặt tại phía Nam Tokyo (Nhật Bản), vang động bởi một giọng nữ được tạo ra bởi máy tính: “Công việc”, rồi nó đọc tiếp: “Cá nhân. Bất động sản. Cho thuê mướn. Xe cộ”... Đó là kết quả của cô Chieko Asakawa, 45 tuổi, nhà nghiên cứu hàng đầu của hãng IBM trong lĩnh vực giúp người mù tiếp cận được với Internet.

    Hình như cô đang đi nhầm vào một mục tin mà cô không mong muốn khi lướt Web. “Đến rìa rồi”, máy tính thông báo bằng một giọng nam. “Ra đến rìa rồi”, nó lặp lại. Cô Asakawa gõ nhanh trên bàn phím Braille (hệ thống chữ nổi dành cho người mù) một cách bực bội, rồi cô bỏ qua rất nhiều từ khi nó chưa kịp phát âm xong. Một cách kiên trì, cô tiếp tục đi xuống các hàng văn bản bên dưới. Nhưng thật ra mục tin mà cô muốn đọc chỉ nằm cách đó vài cen-ti-mét về phía bên phải - với người sáng mắt thì chỉ cần một cái nhấp chuột đơn giản chứ không cần phải lần mò như vậy.

    Cuối cùng, cô cũng tạm ngừng và mỉm cười. “Những thông tin vừa rồi đối với bạn có thể chẳng là gì nhưng với người mù chúng tôi, nó đã là một lượng thông tin rất đáng kể.” - cô nói. Asakawa đã trải qua tám năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và làm cho Internet trở nên thân thiện và dễ tiếp cận hơn cho những người khiếm thị. Vào năm 1997, nhóm nghiên cứu của cô tại IBM chi nhánh Nhật Bản đã lần đầu tiên trên thế giới đưa ra một trình duyệt web được thiết kế đặc biệt có khả năng phát âm nội dung của các trang web. Và vào tháng 7 vừa qua, nhóm của cô đã phát hành một phần mềm giúp cho những người thiết kế trang web chuyển đổi định dạng các trang web của mình sao cho phù hợp và “dễ đọc” đối với những người mắt kém, khiếm thị hay mắt không còn nhìn thấy gì nữa.

    "Phép lạ" Asakawa mang các website đến với người khiếm thị
    Bàn phím chữ Braille của IBM

    Đây là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng. Internet đang ngày càng trở thành một nguồn tài nguyên thông tin và cung cấp nhiều dịch vụ và tiện ích hết sức quan trọng, đa dạng và phong phú: Từ bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử hay điền và nộp các bản khai thuế hay thậm chí ngồi ở nhà mà vẫn kêu được món ăn mà mình ưa thích từ một nhà hàng. Đối với người mù, đó vừa là một sự may mắn vừa là một sự nguy hiểm. Internet cho phép họ tự mình chọn làm được nhiều điều mà lẽ ra trước đây họ phải cần rất nhiều đến sự giúp đỡ, ví dụ như đi mua sắm. Nhưng họ cũng có thể hoàn toàn bị cô lập ra khỏi kho dữ liệu quan trọng này nếu các thông tin trên Internet này quá khó khăn để họ có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó là vấn đề tuổi tác già nua của dân số Nhật Bản đã khiến cho số người khiếm thị tăng vọt.

    Tại một số quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Anh, đã có luật quy định cụ thể về tính dễ truy cập và sử dụng của một số loại trang web cho một số đối tượng cụ thể. Tháng 6 vừa qua, chính phủ Nhật đã đưa ra các quy định cụ thể về tính dễ sử dụng và bắt buộc các trang web của chính phủ phải áp dụng. Nhưng nhiều khảo sát cho thấy rằng các công ty Nhật – vì sự sống còn của mình - thậm chí đã tiến xa hơn cả chính phủ trong việc tạo ra các trang web mang tính dễ sử dụng. “Với số người già đang gia tăng nhanh chóng tại Nhật, nếu công ty nào không tạo ra được các trang web mang tính dễ sử dụng cho riêng mình thì số người truy cập vào đó sẽ giảm rất nhiều.” - Nobuaki Arima – người giám sát các vấn đề về truy cập tại Bộ Viễn thông của Nhật cho biết.

    Chuyện Asakawa: "Khó không có nghĩa là không thể"

    Đối với cô Asakawa, con đường dẫn cô đến với việc phát triển các trình duyệt web cho người mù thật sự là một bước ngoặt. Cho đến những năm đầu ở trường trung học, mắt của cô vẫn bình thường. Lúc đó, Asakawwa là một cô gái trẻ trung rất yêu thích thể thao – không thích học tập mấy mà cứ mơ ước trở thành một vận động viên. Vào năm lớp 11, cô gặp tai nạn trong khi bơi lội, đầu cô bị đập vào mép hồ bơi đã làm tổn thương đến thần kinh thị giác của cô. Ba năm sau thì cô hoàn toàn bị mù. Một Asakawa quá trẻ vào lúc đó đã phải suy tính lại cho cuộc đời của mình. Con đường thể thao đã đóng; cô chỉ còn duy nhất một lựa chọn là sách vở. Nhưng cô cũng gặp rất nhiều trở ngại vì cô không bao giờ có thể đọc chữ nổi Braille nhanh như những người bị mù bẩm sinh và phải hết sức nỗ lực trong một hệ thống trì trệ của nước Nhật khi đó. Vì thế, ở trường đại học, cô đã chọn chuyên ngành Anh văn, vì dù sao thì việc đọc và phát âm cũng còn dễ dàng hơn và hi vọng thứ tiếng này sẽ giúp cô dễ tìm được một việc làm

    Trải qua một vài năm tại trường ngôn ngữ dành cho người mù, học lập trình với nhiều ngôn ngữ lập trình cổ lỗ khác nhau cho hệ máy tính chủ kiểu cũ sử dụng băng từ và phiếu đục lỗ. Để đọc được các dữ liệu in ra từ máy tính dưới dạng lỗ này, cô phải dùng một thiết bị để chuyển các lỗ thành các gờ nổi để tay cô có thể sờ thấy được. Đó thật sự là một cuộc vật lộn. “Lúc đó, thật hết sức khó khăn để một người mù có thể trở thành một lập trình viên máy tính. Khó chứ không có nghĩa là không thể!” - cô Asakawa hồi tưởng.

    "Phép lạ" Asakawa mang các website đến với người khiếm thị 1

    Nữ lập trình viên Chieko Asakawa, người tạo nên "phép lạ" mang các website vào đời sống người khiếm thị

    Vào năm 1985, Asakawa gia nhập vào hãng IBM và khi đó với cô: “Thế giới của tôi đã hoàn toàn thay đổi”. Lúc đó, IBM đã là người dẫn đầu trong việc phát triển các kỹ thuật nhằm giúp ích những người tàn tật. Họ đang tập trung hướng tới một trong những phần mềm đầu tiên có khả năng phát âm các nội dung được hiển thị trên màn hình máy tính. Khi cô Asakawa gia nhập vào IBM, các nhà nghiên cứu của hãng này đang tìm cách chuyển các nội dung in từ máy tính thành chữ Braille ra máy in cho người khiếm thị. Cô đã bắt đầu bằng việc phát triển một phần mềm cho phép những người tình nguyện vốn vẫn thường dùng tay để đọc chữ Braille có thể bắt máy tính làm thay cho họ việc này.

    Khoảng giữa thập niên 1990, cô bắt đầu tập tành lướt Internet khi đó vẫn còn rất sơ khai, sử dụng kết hợp hai phần mềm; Netscape để lướt Web và phần mềm của IBM để đọc lên những gì có trên màn hình. Cô Asakawa rất thích thú với các thông tin có được từ các trang web, tuy nhiên cô cũng vấp phải nhiều khó khăn. Phần mềm đọc màn hình lúc đó chỉ đọc được tiếng Anh. Hệ thống khi đó đang được chuẩn hoá nên rất rối rắm – sự tương hợp giữa các chương trình máy tính và hệ điều hành – đều rất khó thiết lập. Các dạng màn hình có nội dung đầy tràn hay vượt quá trang màn hình làm cho phần mềm phát âm hoạt động thiếu chính xác. Và do phần mềm được vận hành và đọc văn bản theo kiểu từ trái qua phải và từ trên xuống dưới nên khi đụng các bảng biểu với các cột dọc là nó lại bị lỗi, cứ lắp ba lắp bắp.

    Asakawa quyết định phải phát triển một phần mềm được thiết kế chuyên biệt để có thể hiểu được các đoạn mã điều khiển và định dạng ẩn trong các trang web.

    Cô thêm vào đó các âm báo giúp cho trình duyệt hoạt động tốt hơn, như việc sử dụng giọng nam để phát âm văn bản và giọng nữ cho các liên kết. Vào năm 1997, cô giúp đưa ra phần mềm lần đầu tiên đọc được nội dung của trang web tiếng Nhật cho IBM. Rồi phiên bản tiếng Anh – và tiếp theo sau là bằng chín ngôn ngữ khác.

    Cùng lúc đó, Asakawa đã nhận thấy một vấn đề khác: Mặc dù số lượng các trang web đã tăng lên rất nhiều, nhưng số các trang web mà phần mềm của cô có thể đọc được ngày càng giảm thiểu. Đó là vì những nhà thiết kế web ngày càng lồng vào đó nhiều hình ảnh, chuyển động và các thiết kế bay bổng làm cho phần mềm chủ yếu dùng để đọc văn bản của cô không tài nào “đọc” ra các hình ảnh và chuyển tải đến cho người nghe các hình tượng bay bổng đó được.

    Cô ước tính rằng phần mềm đọc trang web do mình tạo ra có thể giúp hiểu được hầu hết tất cả các trang web mà cô từng thử nghiệm trong những năm 1996, song nay thì tỉ lệ các trang web cho phép cô đọc và hiểu được đã giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa. Nếu cứ tiếp tục với chiều hướng này, phần mềm đọc trang web của cô đến năm 2010 chỉ còn có thể đọc và hiểu được... 5% các trang web mà thôi, do: “Họ đang quá chú trọng đến vẻ bề ngoài và hiệu ứng hình ảnh gây ra của các trang web, nên trình duyệt phát âm của tôi không thể nào diễn đạt nổi”.

    "Phép lạ" Asakawa mang các website đến với người khiếm thị 2

    Để minh hoạ, bạn hãy thử tinh nghịch bắt phần mềm phát âm này đọc thử trang web của Công viên Giải trí khổng lồ Paramount’s Great America. Phần mềm sẽ chăm chú đọc hết các đề mục được sắp xếp theo trình tự thời gian nhưng lại bỏ qua phần giới thiệu màn trình diễn hết sức sôi động của Crocodile Dundee (bộ phim "Cá sấu Dundee" với diễn viên người Úc nổi tiếng) vì nó được quảng cáo với một... hình ảnh đầy màu sắc chứ không phải là văn bản.

    Một khó khăn gần đây còn là các biện pháp chống thư rác. Một người mù cố gắng để đăng ký sử dụng dịch vụ thư điện tử miễn phí của Yahoo! sẽ bị lúng túng và mắc kẹt ở phần cuối khi việc đăng ký yêu cầu họ “Nhập vào mã được thể hiện trong khung bên dưới” - tiếp theo đó là một sự im lặng và không có hướng dẫn nào được đưa ra thêm. Người bình thường sẽ thấy một hình ảnh của văn bản bị làm cho méo mó và cứ theo đó mà nhập vào ô theo yêu cầu. Kỹ thuật này hiện nay đang được sử dụng để chống lại các công cụ tìm kiếm và đăng ký dịch vụ một cách tự động, sau đó xâm nhập và dùng danh bạ của chính dịch vụ đó để gửi thư rác đến cho các khách hàng, ông Judy Brewer – giám đốc của Sáng kiến Truy cập Web thuộc Công ty Chuyên viên Thiết kế Internet - tiêu chuẩn World Wide Web Consortium, cho biết.

    Câu trả lời từ Asakawa là: Chương trình được phát hành trong tháng 7 qua cho phép những nhà thiết kế web thấy được một cách sinh động mức độ dễ dàng truy cập của các trang web của họ ra sao đối với người khiếm thị. Cứ chạy thử chương trình và nó sẽ cho họ biết: Những khu vực của trang web có nền màu sáng có nghĩa là người khiếm thị sẽ truy cập tốt đến đó, những khu vực có thông tin khó truy cập tuỳ theo mức độ sẽ có màu sậm dần cho đến tối đen, làm cho người thiết kế trang web cũng không thể đọc được – nhờ vậy mà họ sẽ cải tiến lại trang web của mình cho phù hợp với người khiếm thị hơn. Chương trình này cũng tính toán và cho biết mất bao nhiêu thời gian để phần mềm đọc trang web đọc xong các thông tin có trong trang đó.

    Cô Asakawa cho biết: Phần lớn các khó khăn trên đều có thể được giải quyết một cách hết sức đơn giản. Các hình ảnh có thể được kết hợp hay đi kèm cùng với văn bản chú thích diễn giải, ngoài ra các điểm đánh dấu phát ra âm thanh nếu được bố trí tốt trong trang web cũng có thể giúp người sử dụng khiếm thị xác định và di chuyển nhanh chóng đến phần mà họ muốn truy cập đến của trang web. Cô cũng đang thực hiện một nghiên cứu sơ bộ trong việc sử dụng xúc giác để thu hút sự chú ý của người mù, cũng giống với việc các màu sắc ảnh hưởng đến sự chú ý của người sáng mắt.

    Asakawa hy vọng các nghiên cứu thuộc loại này cũng sẽ hữu ích đối với những người sáng mắt – nhất là khi mà mắt của họ đang bận chăm chú làm việc khác - ví dụ như khi họ đang lái xe.

    “Người bình thường chỉ dùng mắt và rất ít khi dùng đến xúc giác của mình, thật là phung phí biết bao!” - Asakawa cười và nói.

    Bài viết "Người khiếm thị có thể lướt web"
    Công ty thiết kế website chuyên nghiệp ADC Việt Nam

     
     

    Làm thế nào để vượt qua đối thủ cạnh tranh?

    Bạn cần website để giới thiệu dịch vụ?

    Cho đến lúc này, điều mà bạn đang quan tâm có lẽ là muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ thiết kế website và Công ty chúng tôi?

    SỞ HỮU NGAY WEB CHUYÊN NGHIỆP TẠI ADC VIỆT NAM ĐỂ VƯỢT QUA ĐỐI THỦ NGAY HÔM NAY!!!

    CÔNG TY CP GIẢI PHÁP VÀ PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM ADC SOFTWARE

    Số 1, LK 11A Làng Việt Kiều Châu Âu, KĐT Mỗ Lao, P Mỗ Lao, Hà Đông, HN

    (024).3783.5639 - (024).3783.5640

    info@adcvietnam.net / support@adcvietnam.net

    https://adcvietnam.net

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤNMIỄN PHÍ

    Đang gửi...

    Đang gửi...

    Zalo
    Thông báo
    Đóng
    Đang tải

    Đang tải...