Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Tuy nhiên, trong thế giới "siêu kết nối" này, các doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp phòng ngừa khẩn cấp để bảo vệ hệ thống khi mà các cuộc tấn công mạng tiến hóa ngày càng tinh vi hơn.
Theo khảo sát năm 2019 của hãng Fortinet (Mỹ), 84% các giám đốc về bảo mật thông tin tin rằng nguy cơ của các cuộc tấn công mạng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. 21% dự đoán khả năng của kẻ tấn công - dù là hacker độc lập hay được nhà nước hậu thuẫn, hoặc những nhân viên bất cẩn - cùng sự phức tạp của các công nghệ kết nối mới sẽ vượt qua khả năng phòng vệ của doanh nghiệp.
Ảnh:SecureReading. |
Chia sẻ tại hội thảo 361° Security 2019 ngày 24/10, Anthony Lim, chuyên gia tư vấn của Fortinet tại Đông Nam Á và Hong Kong, cho rằng nhu cầu chuyển đổi số sẽ buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải đánh giá lại tính hiệu quả của các biện pháp bảo mật hiện có.
Tại Việt Nam, ba lĩnh vực được dự đoán chuyển đổi số nhanh nhất là công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng và thương mại điện tử. "Hệ thống mạng trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính phủ, tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe... thường lưu trữ những dữ liệu rất giá trị về thông tin cá nhân, giao dịch tài chính và cơ sở hạ tầng trọng yếu. Môi trường giàu dữ liệu này khiến chúng trở thành mục tiêu của một loạt các mối đe dọa như mã độc, lừa đảo hay tấn công từ chối dịch vụ, nhằm mục đích ngăn chặn, tống tiền hoặc phá vỡ hệ thống mạng", ông Lim khuyến cáo. "Người đứng đầu doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ cần nhìn xa trông rộng để đối phó với các môi trường mạng ngày càng phức tạp hơn".
Theo ông Peerapong Jongvibool, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông của Fortinet, trong thế giới siêu kết nối ngày nay, dữ liệu di chuyển giữa các môi trường khác nhau như đa đám mây (multi-cloud), Internet vạn vật (IoT) và thiết bị di động. Do đó, các hệ thống mạng hiện đại phải triển khai giải pháp bảo mật nhất quán nhưng vẫn bảo toàn chức năng trong hệ thống, để các luồng công việc thiết yếu được bảo vệ cùng với toàn bộ đường dẫn dữ liệu khi thông tin di chuyển qua nhiều môi trường khác nhau.
Châu An