Trải nghiệm sàn giao dịch điện tử những năm qua

Mục lục

    Cách đây 3 - 4 năm, xây dựng sàn giao dịch điện tử dành cho doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2Bt) ở Việt Nam đồng loạt nở rộ trên mạng Internet.Thế nhưng cho đến giờ, việc tìm ra một sàn giao dịch điện tử có uy tín với doanh nghiệp (DN), có thể giúp DN tìm kiếm cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại hiệu quả vẫn vô cùng khó khăn.

    Trải nghiệm sàn giao dịch điện tử những năm qua

    Trải nghiệm sàn giao dịch điện tử những năm qua

    Sinh dễ, nuôi … khó

    Trên thế giới, khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng phát triển thương mại điện tử nói chung và sàn giao dịch điện tử nói riêng phát triển vô cùng mạnh mẽ với những tên tuổi lớn như Alibaba, Amazon …

    Còn ở Việt Nam, điển hình có sàn giao dịch điện tử Vnemart của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ECVN của Bộ Công thương và các sàn giao dịch điện tử của các công ty như Gophatdat, Thuongmaivietmy, Export, Mekongsources, Evnb2b, Vnet… “Phiên bản” sàn giao dịch điện tử cũng được hưởng ứng xây dựng ở rất nhiều địa phương như Lào Cai, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương… Cho đến nay, tổng cộng đã có khoảng 30 sàn giao dịch điện tử được xây dựng.

    Mô hình hoạt động của các sàn này đều “na ná” nhau: dành một “khoảnh đất” để các DN thành viên giới thiệu, quảng bá hoạt động sản xuất; xây dựng các mục chào mua, chào bán hàng hóa nhằm xúc tiến thương mại cho DN; danh mục hàng hóa chủ yếu là tổng hợp đủ các loại sản phẩm… Nhiều sàn giao dịch điện tử tham vọng hướng đến việc thu hút cả các DN nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là sau khi khai trương rầm rộ, rất nhiều sàn đuối dần. Sàn thì hoạt động được  một vài tháng rồi đóng cửa; sàn thì chuyển từ mô hình “B to B” sang “B to C” (rao vặt, bán hàng trực tuyến); nhiều sàn thì chỉ “tồn tại qua ngày”. Có sàn khi khai trương “hùng hồn” công bố sẽ có 10 ngôn ngữ để phục vụ DN trong nước kết nối với đông đảo đối tác trên thế giới, nhưng sau một thời gian thì “lặn mất tăm”. Do thiếu nội dung thông tin cập nhật, không ít sàn giao dịch điện tử còn sao chép nội dung chào hàng, hình ảnh sản phẩm lẫn nhau.

    Để xây dựng một sàn giao dịch điện tử không phải là chuyện quá khó khăn (chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đến một vài tỷ đồng), nhưng duy trì được một sàn giao dịch điện tử là cả một vấn đề. Theo đại diện của ECVN, để phát triển được thì chủ nhân của các sàn này phải đủ sức quảng bá và hỗ trợ DN thành viên. Việc quảng bá sàn giao dịch điện tử không chỉ dừng trong nước mà còn hướng ra nước ngoài. Bên cạnh đó, uy tín của đơn vị vận hành sàn giao dịch điện tử cũng ảnh hưởng lớn đến lòng tin của các đối tác khi tìm đến sàn (các công ty quy mô lớn, các tổ chức Nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận được xem là có uy tín hơn cả). Các công ty tư nhân quy mô nhỏ rất khó có thể duy trì sàn giao dịch hoạt động lâu dài bởi tính xác thực của thông tin hàng hóa được cập nhật trên sàn giao dịch cũng ảnh hưởng đến sự tham gia của các DN thành viên và các đối tác. Chỉ khi thu hút được nhiều DN tham gia, sàn giao dịch điện tử mới có thể hoạt động theo hướng chuyên nghiệp được.

    Việc đặt tên các sàn giao dịch điện tử cũng là điều cần chú trọng. Những cái tên như Alibaba, Amazon dễ dàng quảng bá và gây ấn tượng, dễ nhớ hơn nhiều so với những cái tên viết tắt tiếng Anh hoặc dài dằng dặc của đa số sàn giao dịch điện tử tại Việt Nam.

    Phải thừa nhận rằng, đa số sàn giao dịch điện tử ở nước ta hoạt động kém hiệu quả, ít DN tham gia. Nguyên nhân là do hạn chế về nguồn lực tài chính, vật chất. Hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử hiện rất khó thu về lợi nhuận. Hầu hết các sàn đều quảng bá sản phẩm miễn phí cho DN, rất ít sàn có thể thu phí. Bên cạnh đó, lòng tin của giới DN với mô hình hoạt động của sàn giao dịch điện tử vẫn là câu hỏi lớn. Nhiều DN tham gia chủ yếu theo “phong trào” với tâm lý “chẳng mất gì”, coi sàn giao dịch điện tử là kênh quảng bá sản phẩm, thương hiệu chứ chưa phải thực sự là nơi có thể kinh doanh hàng hóa. Có DN thành viên tham gia xây dựng gian hàng ảo xong rồi “quên luôn”, không kiểm tra, cập nhật thông tin hàng hóa, đối tác chào hàng liên hệ mãi chẳng thấy phản hồi.

    Với nhiều DN, hình thức sử dụng sàn ảo, thư điện tử để trao đổi thông tin hàng hóa, đàm phán hợp đồng hiện vẫn chưa thực sự phổ biến. Điện thoại, fax và gặp gỡ trực tiếp vẫn là công cụ, phương thức bán hàng chủ yếu.

    Mới chỉ giúp Doanh nghiệp “làm quen bước đầu”

    Trong thương mại “B2B”, việc giao dịch giữa DN với DN bao gồm nhiều công đoạn, quy trình rất phức tạp từ tìm kiếm thông tin hàng hóa, đối tác, chào bán sản phẩm, mô tả sản phẩm, thương lượng giá cả đến điều kiện thanh toán, phương thức thanh toán…

    Theo các hình mẫu phát triển sàn giao dịch điện tử trên thế giới, ngoài việc hỗ trợ DN quảng bá tên tuổi, giới thiệu hàng hóa, các sàn giao dịch phải hỗ trợ được DN trao đổi thông tin mua bán, ký kết hợp đồng, thanh toán và cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng (tìm kiếm thông tin sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin kinh doanh, dịch vụ hậu mãi, dịch vụ hỗ trợ giao dịch…). Bước phát triển cao nhất của sàn giao dịch điện tử là hoạt động như một sàn giao dịch khép kín, nơi các DN có thể hoàn thành từ A đến Z các công đoạn mua bán sản phẩm.

    Thế nhưng thời gian qua, các sàn giao dịch điện tử ở Việt Nam mới chỉ là “địa chỉ đầu tiên” để các DN có thể biết đến nhau, tiện ích lớn nhất cũng chỉ giới hạn ở việc đăng tải các nhu cầu mua bán chứ chưa có hoạt động hỗ trợ DN trong đàm phán để tiến tới ký kết hợp đồng, thực hiện và trợ giúp sau hợp đồng. Chuyện tìm hiểu sâu, lựa chọn hàng hóa, đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng thì các DN vẫn phải tự tìm đến nhau theo cách truyền thống (qua fax, điện thoại, hay gặp gỡ trực tiếp…). Nói cách khác, sau 3 – 4 năm phát triển, các sàn giao dịch điện tử mới chỉ giúp DN bước đầu làm quen với hình thức thương mại điện tử mà thôi.

    Có thể thấy, để trở thành một sàn giao dịch điện tử đúng nghĩa, các sàn giao dịch điện tử ở nước ta còn quá nhiều việc phải làm. Đầu tư công nghệ, con người, có chiến lược phát triển lâu dài chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là sự hỗ trợ thực sự hiệu quả cho các DN thành viên khi tham gia sàn. Nếu chỉ xây dựng sàn giao dịch điện tử theo phong trào và các DN tham gia cũng theo phong trào thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một địa chỉ giao dịch ảo hữu ích dành cho DN trên mạng Internet giống như Alibaba.com của Trung Quốc hay Ec21.com của Hàn Quốc…

    Khác với các website bán hàng trực tuyến (các chợ điện tử) chuyên bán lẻ hàng hóa đến người tiêu dùng, các sàn giao dịch điện tử là nơi DN quảng bá sản phẩm, giao lưu, gặp gỡ nhằm ký kết hợp đồng giao dịch lớn (bán buôn) với các DN khác hay với các đại lý trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh khốc liệt, việc tham gia các sàn giao dịch điện tử đang được nhiều DN kỳ vọng.

    Thông qua sàn giao dịch ảo này, một DN dù có trụ sở ở Mỹ, Anh, Pháp… và là thành viên của một sàn giao dịch điện tử tận châu Á xa xôi vẫn có thể thăm ảo các cơ sở sản xuất của các DN khắp châu Á, xem xét mẫu mà hàng hóa, giá cả, thủ tục thanh toán, xuất cảng, thời gian vận chuyển, thủ tục giao hàng… Nhờ đó, DN sẽ giảm được rất nhiều chi phí đi lại… Cũng thông qua sự tham gia của đông đảo DN thành viên cùng các dịch vụ cung cấp cho DN mà chủ nhân của các sàn giao dịch điện tử mới có thể “ăn nên làm ra”.

    Trong số khoảng 30 sàn giao dịch điện tử đã được xây dựng tại Việt Nam, hiện chỉ có một vài sàn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp như ECVN, Gophatdat, Thuongmaivietmy, Vnemart. Từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay, các sàn này đã thu hút tới vài ngàn DN tham gia. Tuy nhiên, nếu so sánh với các sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp trên thế giới, con số vài ngàn thành viên ấy còn quá nhỏ bé (chẳng hạn như Alibaba.com của Trung Quốc hiện có tới 15 triệu thành viên đến từ trên 200 quốc gia).

    >>> Chiến lược thương mại điện tử

    Bài viết " Trải nghiệm sàn giao dịch điện tử những năm qua  "
    Công ty thiết kế website chuyên nghiệp ADC Việt Nam

     
     

    Làm thế nào để vượt qua đối thủ cạnh tranh?

    Bạn cần website để giới thiệu dịch vụ?

    Cho đến lúc này, điều mà bạn đang quan tâm có lẽ là muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ thiết kế website và Công ty chúng tôi?

    SỞ HỮU NGAY WEB CHUYÊN NGHIỆP TẠI ADC VIỆT NAM ĐỂ VƯỢT QUA ĐỐI THỦ NGAY HÔM NAY!!!

    CÔNG TY CP GIẢI PHÁP VÀ PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM ADC SOFTWARE

    Số 1, LK 11A Làng Việt Kiều Châu Âu, KĐT Mỗ Lao, P Mỗ Lao, Hà Đông, HN

    (024).3783.5639 - (024).3783.5640

    info@adcvietnam.net / support@adcvietnam.net

    https://adcvietnam.net

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤNMIỄN PHÍ

    Đang gửi...

    Đang gửi...

    Zalo
    Thông báo
    Đóng
    Đang tải

    Đang tải...